14:06 04/03/2021 Lượt xem: 2086
Rừng tràm Trà Sư là tên gọi cánh rừng có nhiều cây tràm tọa lạc gần khu vực núi Trà Sư của huyện Tịnh Biên, An Giang. Tên gọi Trà Sư có người cho rằng nghĩa là ông thầy tu. Trong đó “Trà” là biến âm của “tà” – trong tiếng Khmer có nghĩa là ông; còn “Sư” được hiểu theo nghĩa Hán Việt là ông thầy tu. Thậm chí có ý kiến cho rằng “Trà Sư” có ý nghĩa là một ông sư (thầy chùa) tên Trà.
Không phải tự nhiên mà Rừng Tràm Trà Sư lại thu hút đông đảo du khách một cách không phân biệt tuổi tác, giới tính. Bởi khi đặt chân đến với Rừng Tràm Trà Sư bất cứ ai trong chúng ta đều có chung một cảm giác đó là được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí tươi mát của rừng và nước giúp chúng ta trút bỏ bao nhiêu lo toang của cuộc sống thường nhật.
Rừng tràm Trà Sư
Rừng Tràm Trà Sư ở đâu?
Rừng Tràm Trà Sư thuộc địa phận ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Với diện tích 845 ha, phần lớn loài cây ở đây là cây tràm. Chính vì sự đa dạng và phong phú về tài nguyên mà Rừng Tràm Trà Sư được xem một điểm nhấn tiêu biểu của di lịch An Giang bởi nếu đến An Giang mà chưa ghé qua Rừng tràm Trà Sư thì xem như chưa đến An Giang.
Đường đến Rừng Trám Trà Sư.
Hiện tại chưa có tuyến xe đi thẳng từ các thành phố lớn đến Rừng Tràm Trà Sư do đó các bạn phải di chuyển nối tuyến như sau:
Rừng Tràm Trà Sư nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30km về phía tây nam và thành phố Long Xuyên 64km. Hiện nay có rất nhiều nhà xe đi từ HCM hoặc Cần Thơ về Châu Đốc và Long Xuyên như: Xe Thảo Nguyên, Xe Liên Hưng, Xe Huệ Nghĩa, Xe Hiệp Thành, Xe Lý Thành Đạt, Xe Phương Trang, Xe Thiên Thiên Hương, Xe Hùng Cường – An Giang, Xe Trọng Tín Limousine… Đến Châu Đốc hoặc Long Xuyên rồi bạn có thể thuê xe máy, taxi, xe ô tô du lịch… để tiếp tục chuyến hành trình.
Xuất phát từ Châu Đốc: Du khách đi theo tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương nối tiếp với Quốc lộ 91. Khi đi qua Cầu Trà Sư của thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên thì rẽ trái theo kênh Trà Sư thêm vài km nữa là tới Rừng tràm Trà Sư.
Xuất phát từ trung tâm Long Xuyên: Du khách đi dọc theo Quốc lộ 91 về Châu Đốc, sau đó đi tiếp theo tuyến đường trên là có thể tới Rừng tràm Trà Sư.
Rừng tràm Trà Sư có gì vui?
Vài năm trở lại đây rừng tràm Trà Sư trở thành một điểm du lịch hot ở miền Tây nhất là các bạn trẻ và giới săn ảnh khi mà ngày càng được đầu tư và phát triển mạnh về du lịch.
Đặc biệt năm 2020 rừng tràm Trà Sư đưa vào hạng mục “ cầu tre vạn bước” được xác lập kỷ lục cầu tre dài nhất Việt Nam đã trở thành điểm check in thu hút hàng nghìn lượt tìm kiếm và tìm đến của giới trẻ.
Cầu Tre trong Rừng Tràm
Cây cầu tre vạn bước có chiều dài gần 4km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, kinh phí xây dựng trên 5 tỉ đồng. Ngay sau khi khánh thành cầu tre vạn bước được xác lập kỷ lục là cầu tre dài nhất Việt Nam và thu hút nhiều du khách tìm đến khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư để được thỏa sức đắm mình vào thiên nhiên xanh mát với hương tràm thoảng đưa trong gió nhẹ và để check-in trên chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam.
Ngoài cây cầu tre kỷ lục thì Rừng Tràm Trà Sư còn thêm nhiều góc chụp ảnh tuyệt đẹp không trùng lấp như: Cầu Kiều, cặp đôi nhà trống mái, chuỗi lâu đài với hàng trăm chú bồ câu đón khách ở bến tàu gỗ, sân ngắm chim trời... Nhà đầu tư còn thả hơn 50 tấn cá đồng các loại về rừng làm phong phú thêm sản vật đồng bằng.
Cầu Kiều Trà Sư
Mở lối vào rừng tràm đón chân du khách cầu kiều là một tuyệt tác nghệ thuật được cách điệu hiện lên giữ cánh rừng mênh mông. Đặc biệt điểm nhấn là chuỗi lâu đài chim bồ câu, điểm xuyến với những vườn hoa mini trên cao…tạo nên cảnh sắc long lanh và thơ mộng khiến mọi người phải “lịm tim” ngay từ những bước chân đầu tiên.
Lâu đài bồ câu
“Lâu đài bồ câu” tại rừng Tràm Trà Sư là những ngôi nhà bằng gổ xây dựng trên cây được điểm xuyến bằng một màu trắng tinh khôi là nơi ở của hàng trăm chú chim bồ câu. Từ lâu bồ câu được xem là sứ giả của sự hòa bình thì bồ câu ở Trà Sư cũng mang trên mình sứ mệnh giống như vậy.
Những chú bồ câu có đôi mắt tròn xoe, long lanh và bộ lông mượt mà sẽ bay đến khi cúng ta xòe tay ra tất cả những biểu trưng ấy xuất phát hiển nhiên từ vẻ đẹp và sự duyên dáng của loài chim này, gợi mở thông điệp thân thiện, hiếu khách, sự hòa nhập giữa thiên nhiên với con người.
Qua khỏi cầu kiều và khu vực lâu đài bồ câu là đến bến tập kết tàu. Tại đây các bạn có thể lựa chọn đi bộ trên cầu tre vạn bước hoặc ngồi tắc ráng (võ lãi) để đi xuyên vào trong rừng tràm. (Theo mình thì các bạn nên đi bộ một đoạn trên cầu tre để chụp ảnh check in thôi, sau đó trở ra bến tàu ngồi tàu vào bên trong trạm 2 vì nếu đi bộ hết cầu tre mất nhiều thời gian và sẽ rất mệt, hơn nữa khi ngồi tàu vào qua những khu vực có nhiều bèo và sen đẹp hoặc có nhiều cò, vạc các anh lái tàu sẽ dừng lại để chúng ta chiêm ngưỡng và chụp ảnh).
Đi vỏ lãi trong rừng tràm (tắc ráng)
Sau thời gian trải nghiệm bằng tắc rán lướt trên những thảm bào xanh mướt sẽ đưa các bạn đến trạm 2 khu vực dừng chân nghỉ ngơi và chèo xuồng ba lá. Tại đây đi về bên phải là bến xuồng ba lá. Các bạn mua vé xuồng 50,000đ/người (1 xuồng tầm 3 – 4 người) sẽ được các các em với áo bà ba, nón lá bơi xuồng đưa chúng len lõi qua từng vạt bèo xanh đi sâu và trong từng ngóc ngách của rừng tràm.
Ngồi xuồng ba lá
Nếu đi về bên trái sẽ bắt gặp cầu gổ tình yêu, các gian hàng với rất nhiều đồ ăn vặt (thốt nốt ướp lạnh, rau câu thốt nốt, hột gà nướng, bánh bò thốt nốt…) và quà lưu niệm. Đi tiếp vào bên trong nữa là đài quan sát (tại đây các bạn có thể quan sát toàn cảnh khu rừng tràm) và nhà hàng Rừng Tràm Trà Sư phục vụ các món ăn dân dã nhưng ngon tuyệt ( gà đốt, gà nướng mật ong, chuột nướng mật ong, chuột chiên nước mắm, cá lóc nướng trui, cá rô đồng kho tộ, cá linh, lẩu mắm…).
Lẩu cá linh, bông điên điển
Trà sư đi thời gian nào đẹp?
Đây chắc hẳn là câu hỏi chung của nhiều người khi có ý định đi du lịch An Giang.
Để được chiêm ngưỡng hết vẻ đep cũng như nét đặc trưng của rừng ngập nước thì là vào mùa nước nổi (giao động từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch tùy theo con nước hàng năm). Vào thời gian này Rừng Tràm Trà sư được trải đầy 1 màu xanh ngắt như 1 bức thảm của các loại bèo cám, bèo tai tượng... Phía trên đầu du khách sẽ là mái vòm được tạo hóa đan bằng lá tràm điểm xuyến là chi chích hoa tràm trắng. Dưới nước là thảm bèo nhung xanh mơn mởn dập dềnh theo làn sóng. Thiên nhiên nơi đây như ôm trọn du khách vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về như một tình khúc bolero" của muông chim trên cao, thứ âm thanh du dương làm lòng người say đắm.
Mùa nước nổi
Tuy nhiên nếu các bạn đến Trà Sư vào những thời gian khác cũng không phải lăn tăn, bởi nếu đi vào mùa cạn lượng bèo và lượng nước ít hơn nhưng vẫn đảm bảo cho các hoạt động du lịch và du khách cũng vẫn săn được những bức ảnh lịm tim không kém mùa nước nổi đâu nhé.
Như trên là những chia sẻ về điểm du lịch Rừng Tràm Trà Sư, ngoài ra Quý khách có thể book tour Cần Thơ - Châu Đốc - Rừng Tràm Trà Sư 1 ngày (khởi hành hàng ngày) tại đây.
Những điểm du lịch lân cận Rừng Trảm Trà Sư.
An Giang sở hữu vị trí địa lý đặc trưng, chúng ta sẽ bắt gặp xen lẩn với những đồng lúa cò bay thẳng cánh là những hàng thốt nốt thẳng tấp, là dãi Thất Sơn hùng vĩ… Đến với vùng đất bình yên này, nếu có thời gian thì ngoài Rừng Tràm Trà Sư bạn còn có thể kết hợp thêm một sồ điểm lân cận đề làm phong phú thêm hành trình của mình.
Theo Hồng Thúy – Đất Chín Rồng Travel